Archives Tháng Mười Một 2015

10 tháng, 625 triệu USD vốn đầu tư ra nước ngoài

Các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 625 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2015, với Lào, Campuchia, Hoa Kỳ tiếp tục là những thị trường hàng đầu.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã có 102 dự án cấp mới đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đăng ký cấp mới là 441,9 triệu USD. Ngoài ra, còn có 53 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 192,8 triệu USD.

Như vậy, tính cả vốn cấp mới và vốn tăng thêm, 10 tháng qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 625,4 triệu USD.

.

.

Số liệu thống kê cho thấy, vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tập trung nhiều tại một số thị trường truyền thống như Lào (9 dự án cấp mới, 9 dự án tăng vốn, tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 126 triệu USD), Campuchia (có 11 dự án cấp mới và 12 dự án tăng vốn, tổng vốn cấp mới và tăng thêm là  194 triệu USD).

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đầu tư sang Hoa Kỳ (18 dự án cấp mới và 4 dự án tăng vốn với tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 102 triệu USD) và Liên bang Nga, Singapore, Đức…

Thậm chí, chỉ tính trong quý III/2015, Hoa Kỳ đã vươn lên là thị trường đầu tư lớn nhất của Việt Nam, với 9 dự án mới, tổng vốn đầu tư đăng ký là 50,6 triệu USD (chiếm hơn 25% tổng vốn đầu tư đăng ký).

Như vậy, có thể thấy, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam gần đây không chỉ tăng trưởng nhanh chóng ở các thị trường truyền thống, mà còn mở rộng sang các quốc gia khác.

Về lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam tập trung đầu tư vào ngành khai khoáng là nhiều nhất (tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 107 triệu USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là ngành nông, lâm, ngư nghiệp (tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 106 triệu USD).

Đây là những lĩnh vực đầu tư mà Việt Nam có thế mạnh, tuy nhiên, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam còn đầu tư sang nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác như thông tin, truyền thông, sản xuất điện, bất động sản, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, điều này cho thấy tính đa dạng trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam, đồng thời cũng cho thấy xu hướng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng, chiến lược đầu tư tập trung vào các lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư thấp, khả năng quay vòng vốn nhanh, nhanh chóng đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp.

“Nhìn chung, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đã có tính đa dạng hơn so với thời gian trước, về cả thị trường đầu tư lẫn lĩnh vực đầu tư”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, thì cuối tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm mục đích kinh doanh; thủ tục đầu tư ra nước ngoài và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

“Với nhiều quy định mới tại Nghị định 83/2015/NĐ-CP về chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, xác định địa điểm thực hiện dự án, thực hiện chế độ báo cáo…, thì hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới sẽ có những bước phát triển nhanh hơn và đa dạng hơn, đồng thời nâng cao chất lượng quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài để nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài có hiệu quả hơn”, Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định.

Nguyên Đức

Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ để Việt Nam tận dụng các cơ hội từ TPP

Đó là khẳng định của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Đại sứ Michael Froman tại cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bên lề Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 27 (ASEAN 27) sáng 21/11.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Michael Froman, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Michael Froman, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định việc Việt Nam, Hoa Kỳ và các nước hoàn tất việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là kết quả của việc tôn trọng thể chế, lợi ích của nhau, cùng hướng đến việc xây dựng lòng tin để cùng nhau hợp tác thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại sâu sắc hơn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam quyết tâm tiếp tục triển khai chính sách chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập về kinh tế, thực hiện nghiêm túc các cam kết trong Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đại diện Thương mại Michael Froman nhấn mạnh Hoa Kỳ đánh giá cao quá trình hợp tác chặt chẽ giữa hai Đoàn đàm phán và coi việc kết thúc đàm phán TPP là tiền đề quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa các nước trong khu vực.

Hoa Kỳ mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và các nước để sớm đi đến ký kết, sau đó trình các cấp có thẩm quyền phê chuẩn, đưa Hiệp định TPP vào thực thi. Hoa Kỳ khẳng định sẵn sàng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để Việt Nam có thể tận dụng được các cơ hội ngay khi Hiệp định TPP có hiệu lực.

Như Chính

TPP sẽ là thuốc thử cho ngành nông nghiệp

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư. Theo ông Tuấn, việc gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp ngành nông nghiệp phát triển, nhưng ngành này cần tái cơ cấu và tập trung vào việc nâng cao năng suất nông sản hàng hóa, nâng sức cạnh tranh, đưa ra chiến lược phát triển thị trường hợp lý.

“Khi TPP được áp dụng, với lợi thế về thương mại hàng hóa, thuế xuất nhập khẩu thấp, cùng với vị trí thuận lợi về đường biển, đường hàng không, Việt Nam sẽ tăng độ hấp dẫn trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải điều tiết, hấp thụ vốn FDI vào những lĩnh vực có hiệu quả nhất cho sự phát triển, nâng tầm năng suất và chất lượng nông sản”, ông Tuấn cho biết thêm.

Hiện ngành nông nghiệp Việt Nam có khoảng 3.500 doanh nghiệp, chiếm 1,01% tổng số doanh nghiệp cả nước, hầu hết thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Đồng thời, cả nước hiện có 11,9 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó 35% số hộ có diện tích canh tác dưới 0,2 ha, 69% số hộ có diện tích dưới 0,5 ha và 80% số hộ nông dân có diện tích canh tác dưới 1 ha, chỉ 20% lớn hơn 1 ha…

.

.

Việt Nam mới xuất khẩu nông sản chủ yếu ở dạng nguyên liệu thô, hoặc qua sơ chế, nên giá cả, chất lượng, giá trị gia tăng rất thấp. Nông sản cũng đang đối mặt với khó khăn về những rào cản phi thuế quan trong tiêu thụ một số mặt hàng nông sản. Vì vậy, nếu vẫn duy trì cách quản lý chất lượng như hiện nay, thì các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn rất nhiều khi tham gia TPP.

“Theo tôi, trước mắt, cần sớm công bố rộng rãi những quy định của TPP. Bên cạnh đó, cần rà soát để hài hòa các quy định của pháp luật trong nước với TPP, tiếp tục tập trung cao độ thực hiện chương trình tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển chuỗi cung ứng nông sản để có thể sẵn sàng đón nhận cơ hội khi TPP có hiệu lực”, ông Tuấn nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Công ty xuất khẩu thủy sản Hùng Hậu cho rằng, cái khó nhất của những doanh nghiệp thủy sản nói riêng và doanh nghiệp ngành nông nghiệp nói chung hiện nay là chưa biết gì về những quy định mà họ phải thực hiện khi tham gia TPP. “Những quy định này chưa được phổ biến tới các doanh nghiệp, nên chúng tôi như ‘người mù’ với TPP”, ông Đức nói.

Lo ngại về vấn đề nguồn lao động của Việt Nam khi tham gia TPP, ông Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế luật TP.HCM cho rằng, khi TPP được thực hiện, Việt Nam sẽ cần một số lượng lớn lao động có trình độ. “Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đáp ứng được tiêu chuẩn lao động cao, nhưng an toàn vệ sinh lao động tại đa số các doanh nghiệp chưa được đảm bảo. Việc lao động trẻ mới ra trường không đáp ứng được nhu cầu, trình độ công việc mà nhà tuyển dụng cần cũng là vấn đề lớn hiện nay”, ông Dũng nói.

Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế luật TP.HCM cho rằng, Việt Nam cần chú trọng đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng, tác phong của người lao động khi TPP có hiệu lực. Đồng thời, Nhà nước cũng cần đẩy mạnh việc điều chỉnh những quy định về pháp luật để phù hợp với những cam kết trong TPP, tránh tình trạng vi phạm cam kết và không được miễn thuế thu nhập, như vậy chúng ta sẽ không thu được lợi ích gì từ TPP.

Gia Huy

Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long hút doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc

Đại diện của các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long vừa diễn ra tại TP. Cần Thơ đều nhìn nhận, cơ sở hạ tầng của vùng đã có nhiều cải thiện và đây sẽ là điều kiện tốt để họ quyết định đầu tư tại đây.

Quang cảnh hội nghị XTĐT
Quang cảnh hội nghị xúc tiến đầu tư

Mặc dù diện tích đất nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ bằng 27% cả nước nhưng mỗi năm làm ra hơn 25 triệu tấn lúa (bằng 60% cả nước), 3 triệu tấn thủy sản, 3 triệu tấn trái cây và nhiều sản vật nông nghiệp khác, kim ngạch xuất khẩu hơn 10 tỷ USD,  đóng góp 40% GDP cho cả nước.

Hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu hàng năm đều do người dân Đồng bằng sông Cửu Long làm ra, các chuyên gia quốc tế nhìn nhận: Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vựa lương thực của Việt Nam mà còn của Đông Nam Á, góp phần quan trọng cho an ninh lương thực của thế giới.

Ngành công nghiệp chế biến lúa gạo, cây ăn trái, thủy sản luôn được xem là ngành mũi nhọn, quyết định đến tốc độ tăng trưởng cho vùng. Tuy nhiên, trong thời gian qua việc thu hút đầu tư cho lĩnh vực này còn rất hạn chế. Sản phẩm lúa gạo chỉ qua xay xát, lau bóng rồi xuất khẩu chứ chưa có sản phẩm sau gạo. Công suất xay xát và chế biến gạo xuất khẩu chưa tương ứng với nguồn nguyên liệu của địa phương, công nghệ xay xát lạc hậu tiêu tốn nhiều năng lượng, tỷ lệ hao hụt cao.Các phụ phẩm, phế phẩm như tấm, cám, rơm rạ chưa được tận dụng để gia tăng giá trị cho chuỗi sản xuất. Tương tư như vậy đối với mặt hàng thủy sản và rau quả. Sản phẩm chế biến chỉ dừng lại ở mức là cá tra phi lê, tôm đông lạnh, mực đông lạnh… Ngành công nghiệp sản xuất chủ yếu là sản phẩm sơ chế, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu.

Việc xuất khẩu sản phẩm thô không chỉ cho giá trị thấp mà còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất cao khi thị trường có biến động. Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ cũng nhìn nhận, Đồng bằng sông Cửu Long được xem là vùng nguyên liệu nông sản thủy sản lớn nhất nhưng ngành công nghiệp chế biến được xem là yếu nhất, sản phẩm sau chế biến hàm lượng công nghệ chưa cao, do vậy mà giá trị xuất khẩu còn thấp.

“Do vậy, trong hội nghị xúc tiến đầu tư lần này Câu lạc bộ Trung tâm xúc tiến Đầu tư – Thương mại – Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (Mekong PC) quyết định lựa chọn chủ đề “Kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long sau 2015 – tương lai kinh doanh và đầu tư ngành chế biến thực phẩm” với hy vọng sau hội nghị lần này sẽ thu hút được nhiểu dự án công nghiệp chế biến góp phần nâng cao giá trị nông, thủy sản cho khu vực”, ông Lam nói.

Cam kết hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư
Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ

TP. Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương nhưng diện tích sản xuất nông nghiệp còn rất lớn với sản lượng lúa hơn 1 triệu tấn/năm. Diện tích nuôi thủy sản nước ngọt hàng năm lên đến hàng chục ngàn hecta.

Mặt khác TP. Cần Thơ được quy hoạch là thành phố trung tâm động lực của cả vùng với nhiều lợi thế trong kết nối giao thông, có sân bay quốc tế, cảng tiếp nhận tàu trọng tải lớn; TP. Cần Thơ còn là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho cho vùng nên có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nhất là nông nghiệp. Cũng như lãnh đạo nhiều địa phương khác trong vùng, TP. Cần Thơ luôn ý thức và xem việc thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế là nguồn lực quan trọng cho phát triển ở địa phương. Do đó, địa phương luôn xem công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư đến làm ăn sinh sống tại địa phương là nhiệm thường xuyên và liên tục.

Thị trường Đồng bằng sông Cửu Long rất hấp dẫn
Ông Christoph Lam, Quản lý dự án (BDG)

Bên cạnh tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 17 triệu dân là thị trường tiêu dùng hấp dẫn nhà đầu tư vì số lượng người tiêu dùng đông hơn cả nước Camphuchia.

Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 10 triệu lao động với cơ cấu độ tuổi rất trẻ. Chất lượng nguồn nhân lực nơi đây đang được cải thiện mạnh mẽ với tỷ lệ sinh viên theo học các trường CĐ, ĐH tăng đến 4,4%/năm cao hơn mức bình quân của nhiều nước phát triển khác là 2,7%. Tuy nhiên, với đặc thù là vùng đất yếu, diễn biến khí hậu phức tạp nên để môi trường đầu tư hấp dẫn hơn thì phía Chính phủ Việt Nam cần có những ưu đãi tốt hơn nữa cho nhà đầu tư khi đến làm ăn ở đây.

Nhân công giá rẽ là ưu thế thu hút đầu tư của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc Jetro tại TP. Hồ Chí Minh:

Gần đây giá nhân công ở Thái Lan, Trung Quốc đang tăng rất cao, nhà đầu tư Nhật Bản đang có xu hướng chuyển hướng đầu tư sang quốc gia khác. Khảo sát của Jetro cho thấy 25% nhà đầu tư rời Trung Quốc đã lựa chọn Việt Nam là đích đến. Ưu thế về lao động của Việt Nam đã gây được ấn tượng với nhà đầu tư Nhật Bản.

So sánh giữa lao động Việt Nam và một số nước cho thấy, 90% lao động Việt Nam biết đọc, biết viết trong khi tỷ lệ này ở Lào, Campuchia thấp hơn rất nhiều. Lao động Việt Nam chỉ nghỉ 10 ngày cho các dịp lễ Tết, trong khi ở Campuchia số ngày nghỉ là 20, Mianma: 18 ngày, Lào 15 ngày.

Chất lượng lao động của Việt Nam được đánh giá rất tốt nhưng mức lương bình quân thì đang ở mức thấp nhất khu vực. Bên cạnh đó lĩnh vực công nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ của Việt Nam đang được cải thiện rõ rệt chiếm tỷ trọng trên 30% và đang tiếp tục tăng, đây cũng là yếu tố để thu hút vốn FDI.

Phú Khởi

Sắp thay đổi chuẩn phân ngành tại HOSE

Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOSE) vừa cho biết, tháng 11/2015, HOSE đã hoàn tất ký kết hợp đồng với MSCI (tổ chức cung cấp các công cụ hỗ trợ quyết định đầu tư trên toàn thế giới) cung cấp chuẩn phân ngành quốc tế GICS cho toàn bộ doanh nghiệp niêm yết trên HOSE.

Theo chuẩn phân ngành mới, Masan sẽ chuyển từ ngành tài chính sang ngành hàng tiêu dùng thiết yếu
Theo chuẩn phân ngành mới, Masan sẽ chuyển từ ngành tài chính sang ngành hàng tiêu dùng thiết yếu

HOSE dự kiến sẽ chính thức cung cấp thông tin phân ngành theo GICS cho thị trường và triển khai tính toán các chỉ số ngành vào đầu năm 2016.

Theo thỏa thuận với MSCI, HOSE sẽ cung cấp miễn phí thông tin phân ngành doanh nghiệp đến Cấp 2 – Nhóm ngành cho toàn thị trường. Tùy điều kiện phát triển thị trường, HOSE sẽ xem xét thỏa thuận với MSCI để cung cấp thông tin phân ngành đến mức chi tiết hơn để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng đầu tư.

MSCI cũng cấp quyền cho HOSE xây dựng các chỉ số ngành dựa trên chuẩn GICS và phát triển các sản phẩm dựa trên chỉ số ngành.

GICS là chuẩn phân ngành quốc tế do MSCI và S&P phát triển và được hầu hết các Sở giao dịch chứng khoán trên thế giới cũng như tổ chức nghiên cứu tính toán chỉ số sử dụng.

Chuẩn phân ngành GICS có 4 cấp độ tiêu chuẩn được áp dụng tương đồng trên các thị trường chứng khoán trên thế giới.

Hiện nay có hơn 43.000 công ty và hơn 51.000 chứng khoán thuộc hơn 120 quốc gia trên toàn thế giới được phân loại theo phương pháp GICS, chiếm khoảng 95% giá trị vốn hóa thị trường quốc tế, đại diện cho khoảng 90% nhà đầu tư toàn cầu. 9,6 nghìn tỷ USD được mô phỏng theo chỉ số MSCI và tất cả đều sử dụng chuẩn phân ngành GICS.

Tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, chuẩn phân ngành GICS được sử dụng rất rộng rãi chủ yếu trong khối tổ chức đầu tư, ngân hàng và các công ty quản lý quỹ với tổng tài sản quản lý dựa trên chỉ số MSCI đạt gần 400 tỷ USD.

Trước khi đưa vào áp dụng Chuẩn phân ngành GICS, từ đầu năm 2010, HOSE đã áp dụng chuẩn VSIC 2007 phân ngành cho các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE.

VSIC 2007 là chuẩn phân ngành quốc gia do Việt Nam phát triển dựa trên chuẩn phân ngành ISIC (International Standard Industrial Classification) của Liên Hiệp Quốc được sử dụng để phân loại doanh nghiệp theo hoạt động kinh tế, đăng ký kinh doanh nhằm tính toán giá trị sản xuất, việc làm, thu nhập quốc nội và các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, với quy mô và nhu cầu thị trường hiện tại đã phát triển hơn nhiều so với 5 năm trước, VSIC2007 hiện chỉ còn phù hợp cho công tác thống kê kinh tế hơn là phân ngành cho thị trường chứng khoán. Do đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cần áp dụng một chuẩn phân ngành quốc tế chuyên biệt cho môi trường đầu tư. GICS là chuẩn phân ngành quốc tế do MSCI và S&P phát triển và được hầu hết các Sở giao dịch chứng khoán trên thế giới cũng như tổ chức nghiên cứu tính toán chỉ số sử dụng.

Một số thay đổi về phân ngành của công ty khi chuyển đổi chuẩn phân ngành từ VSIC2007 sang GICS có thể kể đến là phân ngành của CTCP Tập đoàn Masan (Mã chứng khoán MSN).

Theo VSIC 2007, MSN được xếp vào mã ngành K – Hoạt động tài chính, Ngân hàng và bảo hiểm. Tuy nhiên, theo chuẩn phân ngành GICS, MSN được xếp vào ngành hàng tiêu dùng thiết yếu.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác thuộc mã ngành C- Chế biến chế tạo (theo chuẩn phân ngành VSIC2007) cũng có sự thay đổi phân ngành theo hướng chi tiết hơn, chuyển sang các ngành nguyên vật liệu, chăm sóc sức khỏe y tế, hàng tiêu dùng… theo chuẩn phân loại GICS.

Chí Tín

Hà Nội: Tín dụng 11 tháng tăng trưởng ước đạt 18%

Tổng dư nợ cho vay tháng 11 của thành phố Hà Nội ước tính 1.193 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so tháng trước.

1
Tín dụng 11 tháng của Hà Nội tăng trưởng ước đạt 18%

Theo Cục Thống kê Hà Nội, mặc dù lãi suất ngân hàng giảm, nhưng tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng vẫn tăng so tháng trước, tháng 11, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước tính đạt 1.383 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so tháng trước và tăng 16,2% so tháng 12/2014.

Trong đó, tiền gửi tăng 1,2% và 14,6% (tiền gửi tiết kiệm tăng 2,3% và 15%, tiền gửi thanh toán tăng 0,5% và 14,4%), phát hành giấy tờ có giá tăng 0,4% và tăng 49,2%.

Tổng dư nợ cho vay tháng 11 ước tính 1.193 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so tháng trước và tăng 18% so tháng 12/2014, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 1,2% và 9,8%, dư nợ trung và dài hạn tăng 0,7% và 32,2%.

Cũng theo Cục thống kê Hà Nội, giá vàng tháng 11 trên thị trường này tăng 0,1% so tháng trước; giá USD của các ngân hàng tháng này giảm 0,38% so với tháng trước.

Thu Trang