Archives Tháng Mười Hai 2015

Tổng thống Belarus và Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản sắp thăm Việt Nam

Tuần tới, Việt Nam sẽ có 2 sự kiện ngoại giao quan trọng là Tổng thống Cộng hòa Belarus Aleksandr Grigorievich Lukashenko và Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Yamazaki Masaaki thăm chính thức Việt Nam.

 

Thông cáo ngày 4/12 của Bộ Ngoại giao cho biết, nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Cộng hòa Belarus Aleksandr Grigorievich Lukashenko sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 8 đến ngày 9/12.

Tổng thống Cộng hòa Belarus Lukashenko và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức Belarus của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Vietnam+)
Tổng thống Cộng hòa Belarus Lukashenko và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức Belarus của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Vietnam+)

Theo thông cáo của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, từ ngày 7 đến ngày 10/12, Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản, Ngài Yamazaki Masaaki sẽ thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Yamazaki Masaaki trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư hồi tháng 9/2015. (Ảnh: Vietnam+)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Yamazaki Masaaki trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư hồi tháng 9/2015. (Ảnh: Vietnam+)
Kỳ Thành

TP. HCM: Thành lập công ty vận hành hệ thống đường sắt đô thị

Ngày 4/12, UBND TP. HCM đã công bố Quyết định thành lập Công ty TNHH MTV đường sắt đô thị số 1 TP. HCM. Tham dự có Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Hoàng Quân lãnh đạo các sở, ngành thành phố.

.

Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Hoàng Quân trao quyết định thành lập Công ty TNHH MTV đường sắt đô thị số 1 TP. HCM

Công ty TNHH MTV đường sắt đô thị số 1 TP. HCM có tên giao dịch quốc tế: Ho Chi Minh City Urban Railways No.1 Company Limited; viết tắt là HURC1 do UBND TP. HCM làm chủ sở hữu với loại hình doanh nghiệp Công ty TNHH Một thành viên 100% vốn nhà nước. Vốn điều lệ ban đầu là 14 tỷ đồng, thời gian hoạt động 99 năm.

Công ty HURC1 có tư cách pháp nhân, có con dấu, biểu tượng riêng, chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính khác bằng toàn bộ tài sản của mình…

HURC 1 đặt Trụ sở chính tại 29 Lê Quý Đôn, Quận 3, TPHCM.

Về chức năng, HURC1 đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty; tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh vận tải hành khách công cộng hệ thống đường sắt đô thị và các hoạt động kinh doanh theo ngành nghề được phê duyệt. Về nhiệm vụ, HURC1 chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho triển khai quản lý, vận hành và bảo dưỡng dự án đường sắt đô thị hoàn thành chuyển giao; quản lý vận hành khai thác đường sắt đô thị…

UBND TP. HCM giao Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. HCM chủ trì, phối hợp với trưởng ban quản lý đường sắt đô thị xây dựng và trình UBND TP. HCM ban hành quy định tổ chức, quản lý, khai thác hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng đường sắt đô thị trên địa bàn TP. HCM; Giao Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị TP. HCM xây dựng các quy định về quản lý an toàn, chất lượng trong cung cấp, sử dụng dịch vụ vận tải đường sắt đô thị, các quy định về bảo trì trong quản lý, khai thác, các chương trình khuyến khích người dân tham gia giao thông vận tải đường sắt đô thị…

Hoàng Hải

Đà Nẵng đầu tư 650 tỷ đồng xây dựng 2 cụm kho xăng dầu

Theo quy hoạch 2020 đến 2030, Đà Nẵng sẽ phát triển thêm 1 hệ thống cụm kho xăng dầu có sức chứa 60 nghìn m3 tại khu vực gần Cảng biển thuộc phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) với số vốn đầu tư 500 tỷ đồng, diện tích 20 nghìn m2 và 1 cụm kho xăng dầu từ 5nghìn – 15 nghìn m3 gần khu vực Cảng Liên Chiểu ( quận Liên Chiểu), vốn đầu tư khoảng 150 tỷ, trên diện tích 5 nghìn – 10 nghìn m2.

Hội đồng thẩm định Đề án “Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025-2030” vừa có buổi họp rà soát các nội dung của Đề án trước khi bỏ phiếu thông qua và ký ban hành Đề án.

Phó giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Lữ Bằng cho biết, Sở đã tiến hành kiểm tra, đánh giá và xây dựng Đề án trên cơ sở thực trạng mạng lưới xăng dầu trên địa bàn thành phố và nhu cầu của từng địa phương, các doanh nghiệp tầm nhìn đến 2030. Hiện nay, Đà Nẵng có 57 đơn vị doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này với 92 cửa hàng bán lẻ; có 4 đầu mối cung cấp xăng dầu với 6 cụm kho có sức chứa 165 nghìn m3.

Cảng Thọ Quang sẽ được đầu tư xây dựng cụm kho xăng dầu 500 tỷ đồng
Cảng Thọ Quang sẽ được đầu tư xây dựng cụm kho xăng dầu 500 tỷ đồng

Theo ông Lữ Bằng, mạng lưới xăng dầu hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội như phát triển và củng cố hạ tầng thương mại phù hợp với cam kết tham gia WTO, và Đề án “Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025-2030” không chỉ nhìn trên phương diện số lượng, địa điểm xây dựng các cửa hàng mà còn cả trên phương diện đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật, môi trường, an toàn phòng cháy chữa cháy và an toàn giao thông.

Theo đó, Đề án định hướng quy hoạch phát triển thêm 1 hệ thống cụm kho xăng dầu có sức chứa 60 nghìn m3 tại khu vực gần Cảng biển thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, với số vốn đầu tư 500 tỷ đồng, diện tích 20 nghìn m2; 1 cụm kho xăng dầu từ 5nghìn – 15 nghìn m3 gần khu vực Cảng Liên Chiểu, vốn đầu tư khoảng 150 tỷ, trên diện tích 5 nghìn – 10 nghìn m2. Mạng lưới cửa hàng kinh doanh xăng dầu sẽ được bổ sung thêm 26 cửa hàng trong giai đoạn 2015-2025 và tăng thêm 8 cửa hàng trong giai đoạn 2016-2030. Các cửa hàng xăng dầu xây dựng mới phải bảo đảm các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật nghiêm ngặt hơn như diện tích phải từ 800-1.000m2, các yêu cầu về PCCC, môi trường, an toàn lao động nghiêm ngặt hơn.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ yêu cầu Sở Công Thương cần phối hợp với các Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch thành phố tiếp tục rà soát, đi thực tế tại các vị trí định quy hoạch để kiểm tra hiện trạng cơ sở hạ tầng, dân cư cũng như các công trình công cộng xung quanh khu vực.

Đối với các kho chứa, ông Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các đơn vị kinh doanh phải tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống trang thiết bị tại các cụm kho hiện có, tự động hóa hệ thống phòng chống cháy nổ, hệ thống xử lý môi trường trước năm 2020; các cụm kho sẽ phải đầu tư động bộ các phương tiện, thiết  bị kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao công suất sử dụng và sức chứa của kho, tự động hóa hệ thống tiếp nhận và giải phóng hàng hóa nhanh, an toàn, hiệu quả trước năm 2022.

Ngọc Tân

Khai mạc Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam 2015

Sáng nay, 5/12, Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển (VDPF) 2015 chính thức khai mạc tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

.

Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển (VDPF) 2015 đang diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh

Với lần thứ 3 được tổ chức, thay thế cho Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG), VDPF đã cho thấy mình một diễn đàn đối thoại chính sách giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển rất hiệu quả và thiết thực.

Tại Diễn đàn năm nay, Chính phủ Việt Nam mong muốn nhận được những ý kến đóng góp nhận xét của các đối tác phát triển về kết quả thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 và các mục tiêu định hướng cho kế hoạch 5 năm 2016-2020, đặc biệt là các giải pháp đột phá mang tính chiến lược trong thời gian tới.

Mở đầu phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bùi Quang Vinh đưa ra những cái nhìn tổng quan về kinh tế xã hội  Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015. Theo Bộ trưởng, kinh tế xã hội giai đoạn này dù có gặp một số khó khăn ở những năm đầu, nhưng với những hành động quyết liệt của Chính phủ, về cơ bản, các mục tiêu tăng trưởng đều đã được hoàn thành.

“Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn đinh, CPI giảm mạnh, tỷ giá hối đoải ổn định, giá trị niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng, lãi suất ngân hàng giảm, các mục tiêu an sinh xã hội đảm bảo, tăng trưởng bình quân 5 năm  đạt 5,88% mỗi năm”, Bộ trưởng cho biết.

Tuy vậy, truớc các đối tác phát triển, Bộ trưởng cũng thẳng thắn khi cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn còn những hạn chế như chất lượng tăng trưởng thấp, tăng trưởng dựa vào vốn và lao động còn lớn, năng suất lao động có tăng những vân thấp, tái cơ cấu nền kinh tế, 3 đột phá chiến lược mới chỉ đạt kết quả bước đầu, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Trong thời gian tới, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 của Việt Nam vẫn sẽ là ưu tiên đảm bảo kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế cao hơn, tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào tăng tăng năng suất lao đông và hiệu quả nâng cao sức cạnh tranh.

Để đạt được các mục tiêu này, Bộ trưởng Vinh đưa ra một số giải pháp chủ yếu, đó là tiếp tục phát triển kinh tế thị trường, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng tăng trưởng nền kinh tế dựa vào tăng năng suất lao động và đóng góp của khoa học công nghệ làm động lực chính.

Tập trung phát triển doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mạnh mẽ và thực chất hơn, tạo môi trường thuận lợi và cơ chế ưu đãi cho phát triển doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam, cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn có chất lượng, sức canh tranh và hướng tới xuất , chú ý phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế xanh ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực. Tái cơ cấu lại cơ cấu ngân sách nhà nước, thị trường tài chính theo hướng đảm bảo an toàn nợ công, sử dụng tiết kiệm có hiệu quả, huy động nguồn lực ngòai ngân sách, chú ý bảo hiểm xã hội.

Tạo môi trường thuận lợi cho người dân doanh nghiệp tự do sáng tạo, tự do đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, huy động nguồn lực từ dân và sự tham gia của người dân.

Bộ trưởng hi vọng tại Diễn đàn, các đại biểu, các nhà tài trợ sẽ cùng nhau tập trung thảo luận để trao đổi về những điều làm được, chưa làm được, và nhất là đưa ra được những mục tiêu giải pháp cho giai đoạn tới.

Anh Trung

Ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên: Cần tư duy mới trong xúc tiến đầu tư

Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập ngành kế hoạch – đầu tư, ông Nguyễn Chí Hiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu, ngành kế hoạch – đầu tư tỉnh Phú Yên cần phải bám sát ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trên cơ sở đó, thay đổi tư duy trong cách tiếp cận các nhà đầu tư để từng bước nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, góp phần xây dựng tỉnh Phú Yên ngày càng phát triển.

 

Ông đánh giá thế nào về vai trò của ngành kế hoạch – đầu tư hiện nay?

Trước tiên, tôi xin khẳng định rằng, trong thời chiến cũng như thời bình, ngành kế hoạch và đầu tư với vai trò tham mưu tổng hợp về kinh tế – xã hội cho Đảng và Nhà nước, đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, nhằm xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp, thịnh vượng, hữu nghị, thân thiện với tất cả các nước và các dân tộc trên thế giới.

Trong giai đoạn đổi mới, vai trò của ngành kế hoạch  – đầu tư càng được khẳng định. Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tham mưu cho tỉnh những vấn đề liên quan đến kinh tế – xã hội, bản thân ngành kế hoạch – đầu tư phải chủ động bám sát các chỉ đạo của tỉnh để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động có hiệu quả, thông qua cải hiện môi trường đầu tư kinh doanh, trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc. Đặc biệt, sự phát triển của địa phương ngày càng đòi hỏi nhu cầu về vốn khá lớn, nếu chỉ bám víu vào ngân sách thì không đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, nguồn vốn đầu tư xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển,  Sở Kế hoạch và Đầu tư, mà trực tiếp là Trung tâm Xúc tiến đầu tư là đơn vị có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan hữu quan để quy hoạch, xây dựng các chương trình xúc tiến hiệu quả nhất để thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội.

Ông Nguyễn Chí Hiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên

Thời gian qua, tình hình thu hút đầu tư vào địa phương ra sao, thưa ông?

Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã đưa ra những quyết sách mang tính chiến lược về phát triển kinh tế tỉnh Phú Yên, trong đó nhấn mạnh vai trò của nguồn vốn xã hội đối với sự phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó, trong những năm gần đây, ngành kế hoạch – đầu tư tỉnh đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh những chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, quy hoạch những dự án mời gọi đầu tư dựa trên tiềm năng và thế mạnh của Phú Yên, tạo nền tảng thu hút những dự án đầu tư phù hợp với lợi thế và định hướng phát triển địa phương, từng bước đưa Phú Yên trở thành một trong những điểm đến tốt nhất để nhà đầu tư lựa chọn.

Điểm nhấn lớn nhất của thu hút đầu tư địa phương trong thời gian qua, đó là dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô, công suất 8 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư xấp xỉ 4 tỷ USD. Hiện nay, dự án đang hoàn tất các thủ tục tiền khởi công xây dựng, để triển khai trong thời gian tới. Đây là dự án mang tính động lực, không chỉ cho Khu kinh tế Nam Phú Yên, mà cho cả tỉnh Phú Yên trong những năm tới, thông qua việc tạo lực hút các dự án hậu lọc dầu và công nghiệp hỗ trợ lọc hóa dầu.

Ngoài ra, Phú Yên có tiềm năng du lịch rất lớn, với hơn 20 danh lam thắng cảnh cấp quốc gia và nhiều lễ hội văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Trên cơ sở đó, Phú Yên đã tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Với điều kiện như vậy, ngành kế hoạch – đầu tư đã tham mưu cho tỉnh lựa chọn định hướng mời gọi các dự án mang tính động lực, tạo điểm nhấn để thu hút các dự án du lịch khác. Bước đầu đã có nhà đầu tư Hàn Quốc đến triển khai đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng Sunries ở Bãi Xếp, với tổng vốn đầu tư lên đến gần 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, một nhà đầu tư khác cũng đang nghiên cứu đầu tư Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Vũng Rô Bay, với vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD…

Ngoài các dự án trọng điểm dựa trên thế mạnh, tỉnh Phú Yên cũng đang thúc đẩy hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đặc biệt là các tuyến giao thông quan trọng kết nối “tứ diện” giữa Phú Yên với bên ngoài, mở toang hành lang phát triển kinh tế cho tỉnh, thông qua các dự án hầm đường bộ như Đèo Cả, Cù Mông, kết nối các tỉnh Bắc – Nam, tuyến Quốc lộ 25 kết nối Tây Nguyên và hệ thống cảng như cảng Vũng Rô, cảng Bãi Gốc để kết nối với các quốc gia trong ASEAN và Đông Bắc Á…

Theo ông, vấn đề quan trọng nhất đối với thu hút đầu tư vào tỉnh Phú Yên hiện nay là gì?

Như đã nói ở trên, Phú Yên đã mở toang cánh cửa kết nối, đã có các dự án động lực, đã xây dựng các cơ chế chính sách tốt… Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tận dụng và phát huy những lợi thế đó, biến các lợi thế đó trở thành một thế mạnh trong cạnh tranh thu hút đầu tư. Việc này trong thời gian tới, các cơ quan hữu quan của tỉnh, nhất là ngành kế hoạch – đầu tư, phải bắt tay vào triển khai ngay. Nếu làm tốt thì chỉ vài năm tới, Phú Yên sẽ trở thành một điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư Việt Nam.

Ngoài ra, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, việc thu hút đầu tư có hiệu quả hay không, thì điều quan trọng nhất, Phú Yên cần phải thay đổi tư duy xúc tiến mới, phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay, cần phải tiếp cận trực tiếp các nhà đầu tư có tiềm lực, có lĩnh vực đầu tư phù hợp với địa phương, có như vậy mới thay đổi toàn diện được tình hình đầu tư của tỉnh, cả về chất và lượng. Song song với việc đó, Phú Yên cũng cần quảng bá hình ảnh của mình, đưa những thế mạnh của mình ra thế giới bên ngoài một cách rộng rãi hơn, thông qua các kênh thông tin đại chúng.

Hoàng Thủy