Archives 2015

Doanh nghiệp Việt ngại… thị trường Hoa Kỳ

Khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã hoàn tất đàm phán, cơ hội đưa hàng hóa vào Hoa Kỳ – thị trường tiềm năng bậc nhất mở rộng hơn bao giờ hết. Song với không ít doanh nghiệp Việt Nam, sự e ngại vẫn hiện hữu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên lề Diễn đàn Xuất khẩu 2015 với chủ đề “Giải pháp thâm nhập thị trường Hoa Kỳ và Mỹ La tinh” tổ chức vào giữa tuần này, ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long cho biết, để đón cơ hội từ TPP, Nam Long mới đây đã hoàn thành xây dựng một xưởng sản xuất có vốn đầu tư 1,5 triệu USD, chuyên sản xuất các loại găng tay cao su dân dụng.

“Nguồn nguyên liệu cao su tự nhiên của Việt Nam có chất lượng tốt, công nghệ sản xuất của chúng tôi đã ngang tầm khu vực, nên dù xuất khẩu với thương hiệu của Nam Long hay không, thì mặt hàng này đều được khách hàng đánh giá cao”, ông Long nói và cho biết, Công ty đã có 3 xưởng sản xuất chuyên làm hàng xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á với thương hiệu Nam Long và xuất sang thị trường Nhật Bản, Ấn Độ… thông qua đặt hàng của đối tác.

Sản phẩm hàng nông sản xuất khẩu của Công ty TNHH Trí Tín

Sản phẩm hàng nông sản xuất khẩu của Công ty TNHH Trí Tín.

Theo ông Long, việc đầu tư xưởng sản xuất mới là hướng tới mục tiêu làm hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Dù đã có sự chuẩn bị cho việc thâm nhập thị trường mới, song ông Long vẫn cho rằng, đường đi vẫn gập gềnh. Cụ thể, để sản phẩm vào được thị trường này, doanh nghiệp phải trải qua nhiều thủ tục, trong đó việc xin chứng nhận FDA là khó khăn nhất. Do đó, Nam Long chỉ dám đặt kế hoạch sản xuất khoảng 40% công suất và việc có tăng công suất hay không thì còn phải… chờ.

Cũng có chung sự e ngại, ông Lê Bền, Phó chủ tịch Công ty TNHH Trí Tín cho rằng, Hoa Kỳ là thị trường khắt khe, nhiều rào cản thương mại và kỹ thuật về yêu cầu chất lượng hàng hóa. Là doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông sản được ưa chuộng, song Trí Tín vẫn khó thâm nhập thị trường này.

“Nông sản nói chung, trong đó có trái cây, rất được thị trường Hoa Kỳ ưa chuộng, nhưng do sản phẩm chưa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về chất lượng, nên rất khó thâm nhập”, ông Bền nhìn nhận và cho rằng, sau khi trở ngại mà doanh nghiệp Việt thường vướng khi tiếp cận thị trường Hoa Kỳ là rào cản thuế quan quá cao có thể được khắc phục khi TPP có hiệu lực, nhưng các yêu cầu về chất lượng sẽ không dễ làm trong một sớm một chiều.

Là một doanh nghiệp đã có kinh nghiệm làm hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và Mỹ La tinh, ông Trần Thanh Tú, Chủ tịch Công ty Thái Bình cho biết, để thâm nhập thị trường Hoa Kỳ, Công ty đã phải đi đường vòng. Đó là mở văn phòng đại diện tại Cuba năm 1998, sau khi đã hiểu khá rõ về thị trường thì mới quyết định mở văn phòng đại diện tại Hoa Kỳ vào năm 2014. “Lợi thế cạnh tranh của Công ty là có kinh nghiệm thị trường, hiểu được ngôn ngữ và bản sắc địa phương, nên đáp ứng nhu cầu các phân khúc tiêu dùng”, ông Tú nói.

Theo ông Tú, sau khi được thị trường khó tính như Hoa Kỳ chấp nhận, Công ty Thái Bình đã sẵn sàng làm đối tác cho các doanh nghiệp Việt khác, chuyên sản xuất trong các lĩnh vực hàng dệt may; gia công túi xách, ví, giày dép,  bàn chải, xà phòng; liên doanh sản xuất bột giặt, chất tẩy rửa; phân phối vật liệu xây dựng, thực phẩm, phụ tùng xe, sản phẩm gia dụng, điện – điện tử, điện lạnh, cửa nhựa…

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, đàm phán các hiệp định thương mại và mở cửa thị trường là một chuyện, tổ chức sản xuất và xuất khẩu thế nào lại là chuyện khác. Do đó, muốn tăng xuất khẩu vào Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt Nam phải chuyên môn hóa, đề cao tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các ngành chức năng, các địa phương trong việc cải cách thể chế, chính sách, để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Hồng Sơn

Thủy hải sản Việt Nhật thay CEO: Bình mới, rượu có mới?

Hội đồng Quản trị CTCP Thủy hải sản Việt Nhật (VNH – HOSE) đã thông qua đơn từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc của ông Nguyễn Văn Nhựt và bổ nhiệm tổng giám đốc mới. Tuy nhiên, khả năng khôi phục hoạt động sản xuất – kinh doanh vẫn là dấu hỏi lớn đối với doanh nghiệp này.

Vị tổng giám đốc giữ lời…

Từng được Báo Đầu tư đề cập trong những bài viết trước đây về cách kinh doanh không giống ai trong việc xử lý hàng tồn kho và cho vay đầy “ân tình” với công ty con, báo cáo tài chính quý III/2015 của VNH mới công bố tiếp tục làm các nhà đầu tư còn nắm giữ cổ phiếu này thêm thất vọng.

Trong quý III/2015, VNH tiếp tục không ghi nhận doanh thu do không có đơn hàng xuất khẩu, mà chỉ có doanh thu từ hoạt động tài chính với vỏn vẹn 3,4 triệu đồng. Trong khi đó, các khoản chi phí vẫn phát sinh, khiến VNH ghi nhận lỗ 944 triệu đồng và là quý thứ 7 lỗ liên tiếp.

.

.

Với lỗ lũy kế 9 tháng năm 2015 lên tới 3 tỷ đồng, kế hoạch doanh thu năm 2015 đạt 60 tỷ đồng, lợi nhuận 4,5 tỷ đồng được VNH thông qua tại Đại hội đồng cổ đông  thường niên lần thứ ba (tháng 6/2015) xem ra khá xa vời.

Cũng theo Báo cáo tài chính quý III/2015, tổng tài sản của VNH giảm còn 72 tỷ đồng, tương đương mức giảm 13,25% so với đầu kỳ. Đáng chú ý, mặc dù không còn là công ty con, nhưng Công ty TNHH Đồ hộp Phú Nhật vẫn có liên quan tới VNH khi Báo cáo tài chính quý III/2015 cho thấy, trong 23,1 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn thì vẫn có tới 13,34 tỷ đồng phải thu đối với Phú Nhật và VNH còn tạm ứng vốn lưu động cho Phú Nhật 9,15 tỷ đồng. Khoản lỗ lũy kế của VNH tiếp tục tăng lên 46 tỷ đồng, tương đương 58% vốn điều lệ.

Với kết quả như vậy, có lẽ ông Nguyễn Văn Nhựt đã thực hiện lời hứa tại Đại hội đồng cổ đông bất thành lần thứ nhất tổ chức ngày 4/5/2015. Tại đại hội bất thành này, ông Nhựt tuyên bố mong muốn tìm người thay thế ông giữ chức Tổng giám đốc, nhưng ông vẫn tiếp tục giữ vị trí trong Hội đồng Quản trị (HĐQT) để vực dậy VNH.

Quả nhiên, ông Nhựt mới đây đã có đơn xin từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc vì lý do sức khỏe và việc này đã được HĐQT (do ông làm Chủ tịch) biểu quyết thông qua. Đồng thời, 2 ngày sau đó, HĐQT VNH đã công bố ông Trần Quang Minh là tân Tổng giám đốc của VNH.

… hay chiêu rút lui êm ái?

Mặc dù ông Nguyễn Văn Nhựt giữ đúng lời hứa khi tìm được Tổng giám đốc mới cho VNH, nhưng biên bản họp HĐQT của VNH về việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Tổng giám đốc chưa thể hiện được sự thay đổi của VNH khi vẫn xuất hiện những gương mặt thành viên HĐQT cũ.

Theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, nhóm cổ đông dự định thâu tóm VNH bằng việc mua lại cổ phiếu tương ứng 5% vốn điều lệ của VNH do nhà đầu tư có tên Lê Ngọc Nguyên (Hải Phòng) đại diện đã thoái toàn bộ vốn.

Theo Điều 24, Điều lệ tổ chức và hoạt động của VNH, cổ đông cá nhân nắm giữ ít nhất 5% tổng số cổ phần phổ thông trong 6 tháng trở lên mới có quyền tham gia HĐQT, do đó, rất có khả năng, VNH vẫn chưa có cổ đông mới đủ điều kiện để tham gia HĐQT.

Trong khi đó, các thành viên HĐQT hiện nay của VNH đều là người làm thuê, trong khi người nắm giữ nhiều cổ phiếu VNH nhất trong HĐQT là ông Nhựt thì đã thoái gần hết vốn (chỉ còn giữ 0,65% vốn điều lệ VNH).

Những cá nhân liên quan đến ông Nhựt trước đây từng nắm giữ hơn 6% vốn VNH cũng đã bán toàn bộ cổ phiếu trong năm 2014 và chuyển sang giữ vị trí chủ chốt tại công ty con là Phú Nhật. Cụ thể, bà Trần Thị Thúy (vợ ông Nhựt) hiện là cổ đông lớn, nắm giữ 52% cổ phần và ông Nguyễn Văn Triển (con trai ông Nhựt) là Giám đốc tại Phú Nhật.

Kinh doanh thua lỗ do nhiều nguyên nhân, VNH đã phải chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất và tài sản của Công ty tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc năm 2013 và thoái vốn khỏi công ty con là Công ty TNHH Đồ hộp Phú Nhật, đồng nghĩa với việc VNH hoàn toàn mất năng lực sản xuất. Tại Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2015, đơn vị kiểm toán là RSM DTL Auditing cũng “nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty”.

Chưa biết vị Tổng giám đốc mới của VNH có thể vực dậy Công ty sau thời gian dài thua lỗ hay không, nhưng việc không có cổ đông lớn cùng với khả năng sản xuất trở lại rất khó khăn của VNH khiến việc thay người cầm lái công ty này dường như chỉ là động thái cuối cùng trước khi rút lui khỏi VNH của ông Nhựt.

Kỳ Thành

Vốn ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam đạt mức kỷ lục 2,5 tỷ USD

Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 20/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 27 và các Hội nghị cấp cao liên quan, diễn ra từ ngày 21 đến 22/11/2015. (Ảnh: Vietnam+)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 27 và các Hội nghị cấp cao liên quan, diễn ra từ ngày 21 đến 22/11/2015. (Ảnh: Vietnam+)

Tại cuộc gặp, hai Thủ tướng nhất trí đánh giá quan hệ Đối tác chiến lược hai nước đã phát triển lên một tầm cao mới, sâu rộng, thiết thực, hiệu quả.

Hai Thủ tướng đi sâu trao đổi ý kiến về phương hướng lớn và biện pháp cụ thể triển khai các thoả thuận cấp cao giữa hai nước; nhất trí tăng cường quan hệ đầu tư và thương mại, đẩy mạnh triển khai “Tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản”; thúc đẩy hợp tác năng lượng điện hạt nhân, đặc biệt trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Về hợp tác giáo dục, hai Thủ tướng nhất trí thúc đẩy dự án Trường Đại học Việt – Nhật sớm đi vào triển khai từ năm 2016.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo quyết định tiếp tục viện trợ ODA trị giá 172 tỷ yên cho 03 dự án là Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh tuyến số 01 (Bến Thành – Suối Tiên), Nhà máy nhiệt điện Thái Bình, dự án cải tạo môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh, đưa khoản ODA Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam đạt mức kỷ lục hơn 300 tỷ yên, tương đương 2,5 tỷ USD trong năm tài khoá 2015.

Hai Thủ tướng nhất trí tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Quỹ tín dụng 110 tỷ USD về hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại châu Á.

Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và các cơ chế hợp tác quốc tế, thúc đẩy phê chuẩn và triển khai TPP, đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thúc đẩy đạt được thoả thuận tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu sắp tới tại Paris, Pháp (COP21).

Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc bảo đảm hoà bình, tự do, an ninh, an toàn, hàng hải và hàng không trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực thi nghiêm túc và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), không quân sự hoá ở Biển Đông.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mời Thủ tướng Shinzo Abe sớm thăm lại Việt Nam. Thủ tướng Nhật Bản đã nhận lời.

Như Tầm (Theo Vietnam+)