An toàn lao động khu vực phi chính thức: Đã đến lúc cần hành động!

– Trên thực tế, những người lao động trong khu vực phi chính thức chưa được sự bảo về xứng đáng, làm việc không hợp đồng, không tham gia bảo hiểm xã hội và phần lớn không được trang bị kỹ năng về bảo hộ, an toàn lao động, nguy cơ xảy ra tai nạn là rất lớn.

Chưa được bảo vệ xứng đáng

Kết quả điều tra Lao động và Việc làm 2009 đã khẳng định một thực tế là số lượng việc làm trong khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam đã tăng lên trong giai đoạn 2007-2009 (khoảng 500.000 việc làm mới, tương ứng với tăng 4,9%).

Ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, khu vực kinh tế phi chính thức vẫn dẫn đầu trong việc cung cấp việc làm, chiếm 32% tổng số việc làm ở Hà Nội và 34% tổng số việc làm tại TP. Hồ Chí Minh.

Mặc dù có đóng góp không nhỏ đến phát triển kinh tế quốc dân, nhưng trên thực tế, những người lao động trong khu vực phi chính thức chưa được sự bảo về xứng đáng, làm việc không hợp đồng, không tham gia bảo hiểm xã hội và phần lớn không được trang bị kỹ năng về bảo hộ, an toàn lao động, nguy cơ xảy ra tai nạn là rất lớn.

Một số điểm bất cập trong chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội liên quan thì với lao động phi chính thức do làm việc không có hợp đồng lao động, nên họ chỉ tham gia loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện và chỉ được hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Mặc dù, các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động rất thiết thực đối với lao động phi chính thức, do điều kiện làm việc phần lớn không đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, mức độ gặp rủi ro trong công việc cao hơn, nhưng các chế độ này lại không có trong bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Điều này tạo nên sự bất bình đẳng giữa những người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội, không khuyến khích được lao động di cư phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Đặc biệt về vấn đề tai nạn lao động đối với nhóm đối tượng lao động phi chính thức ngày càng nghiêm trọng. Có thể kể đến một số vụ tai nạn xảy ra những năm gần đây, như: Ngày 18/05/2013, 3 thợ cơ khí đang sửa chữa thang máy trên tầng 18, tòa nhà CT10, thuộc khu đô thị Đại Thanh (Thanh Trì), bất ngờ thang máy rơi khiến cả 3 tử vong tại chỗ; ngày 07/11/2015, tại công trình xây dựng Tòa nhà Văn phòng phẩm Hồng Hà (Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm) khi một nhóm lao động đang làm việc bên ngoài thì bị một tảng vật liệu xây dựng từ trên tầng cao tòa nhà rơi trúng, khiến 3 người bị thương nặng; Vụ cháy ngày 19/11/2015 tại khu nhà số 9 Trần Thánh Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm 6 lao động tự do thiệt mạng… Đa phần nguyên nhân đều do lao động làm việc trong điều kiện không an toàn, không bảo hộ, thiếu kỹ năng xử lý khi tai nạn xảy ra. Đáng buồn là, bởi hầu hết các lao động này không được ký kết hợp đồng lao động, nên khi tai nạn xảy ra, người chủ thuê thường lảng tránh, không chịu trách nhiệm, hoặc bồi thường không thỏa đáng. Những câu nói đau xót thường dùng cho những đối tượng lao động khu vực phi chính thức khi xảy ra tai nạn là: “không chết là may rồi, còn đòi ai bồi thường?”, hay “chết rồi thì bồi thường thế nào?”…

Phần lớn lao động phi chính thức ở Việt Nam làm việc trong môi trường rủi ro cao, không được bảo vệ

Đã có quy định – cần thực hiện ngay và hiệu quả

Theo quy định trong Luật An toàn Vệ sinh Lao động thì từ đầu tháng 07/2016, những người học nghề, thực tập nghề, thử việc để làm việc cho chủ sử dụng lao động, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, gọi chung là lao động phi chính thức cũng sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và thiết bị bảo hộ để đảm bảo an toàn.

Nhà nước sẽ khuyến khích, hỗ trợ một phần kinh phí người lao động không thuộc khu vực có quan hệ lao động được tham gia vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp để được bù đắp khi không may bị tai nạn lao động.

Việc mở rộng đối tượng áp dụng đối với cả khu vực không có quan hệ lao động là cần thiết để bảo đảm tính khả thi cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể, nhằm khuyến khích người lao động ở khu vực này áp dụng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt là người lao động làm việc trong các lĩnh vực có nguy cơ cao, xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc những lĩnh vực có ảnh hưởng tới sức khỏe, an toàn của cộng đồng.

Tuy nhiên, để Luật được áp dụng một cách hiệu quả trong thực tế cần có cơ chế thưởng – phạt nghiêm minh, giám sát hiệu quả đối với từng ngành nghề, đơn vị thuê lao động phi chính thức trong việc đảm bảo an toàn lao động.

Muốn vậy, việc nâng cao chất lượng và số lượng các thông tin thống kê về khu vực phi chính thức là yêu cầu vô cùng cấp bách, nên được thể chế hóa; điều tra khu vực phi chính thức cần được đưa vào chương trình điều tra thống kê quốc gia, nhằm đảm bảo nắm bắt hợp lý và toàn diện thông tin về khu vực này, từ đó cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách.

Có thể thấy, mặc dù thực tế đã chứng minh tầm quan trọng của khu vực phi chính thức ngày càng gia tăng đối với nền kinh tế Việt Nam, nhưng khu vực này vẫn bị bỏ quên trong các chính sách công. Vì vậy, khi Luật An toàn Vệ sinh Lao động đã mở rộng quy định đối với lao động phi chính thức, chính là sự công nhận tồn tại của khu vực này. Đó là tiền đề quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước dành nhiều sự quan tâm hơn đối với lao động khu vực này./.

Loan Trần