Doanh nghiệp nên nghĩ nghiêm túc hơn về nông nghiệp

Nếu doanh nghiệp bớt quan tâm đến bất động sản, thôi nhìn vào các gói thầu của nhà nước, cơ hội từ TPP sẽ rõ ràng hơn.

.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh

Chia sẻ quan điểm các chủ doanh nghiệp, đồng thời là chủ tịch các hiệp hội doanh nghiệp trong nhiều ngành, nghề lĩnh vực tại Khóa đào tạo cao cấp về quản lý hiệp hội doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, các doanh nghiệp nên nhìn sức ép cạnh tranh từ TPP với ánh mắt năng động.

“Việt Nam hội nhập 20 năm nay, tính từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995, hành trang hội nhập không hề nhỏ. Với TPP, có thể một số ngành sẽ bỡ ngỡ như chăn nuôi, nhưng là doanh nghiệp thì phải xác định cạnh tranh, nhất là khi cạnh tranh là bản chất của kinh tế thị trường”, ông Khánh nói.

Với góc nhìn này, vị Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam cho rằng, ngay cả lĩnh vực nông nghiệp – dự kiến có thể sẽ gặp khó khăn hơn cả khi TPP được thực hiện, vì việc chuyển đổi trong nông nghiệp khó khăn hơn các ngành sản xuất khác, sẽ có cơ hội lớn nếu như doanh nghiệp quan tâm thực sự đến lĩnh vực này. Ông Khánh gọi đây là quá trình “ doanh nghiệp hóa sản xuất nông nghiệp”.

Vì, năng lực cạnh tranh kém của nông nghiệp Việt Nam chủ yếu do cách thức sản xuất, phân phối chứ không phải là lợi thế, tiềm năng. Thậm chí, nông nghiệp có thể là lợi thế cạnh tranh mới của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới nếu như thay đổi được tổ chức sản xuất.

“Không cơ quan nào có thể kiểm soát được 1.000 luống rau của hàng nghìn hộ gia đình, nếu một hộ bị kiểm tra, bị phạt thì cũng chỉ xử lý được 1-2 luống. Nhưng một doanh nghiệp có 1.000 luống rau thì họ có thể bị phá sản nếu như một mẫu rau bị phát hiện vi phạm dư lượng thuốc trừ sâu. Nên doanh nghiệp sẽ có động lực tuân thủ các tiêu chuẩn của sản xuất, phân phối hơn từng hộ gia đình”, ông Khánh phân tích.

Đặc biệt, với cách thức sản xuất manh mún như hiện tại, nếu không thay đổi, thì dù có hội nhập hay không, nông nghiệp của Việt Nam sẽ đi xuống vì người tiêu dùng khi tìm đến các sản phẩm đều vì hai yếu tố là an toàn và giá rẻ. Sản xuất manh mún không giải quyết được hai điều này.

Đây là lý do ông Khánh cho rằng, nếu doanh nghiệp thôi quan tâm đến bất động sản, các ngành nghề có lợi nhuận lớn và nhanh, thay vào đó quan tâm đến các ngành nông nghiệp thì trong dài hạn, năng lực cạnh tranh của lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam sẽ khác.

“Doanh nghiệp Việt Nam nên thay đổi cách nhìn về thị trường Việt Nam. Tôi cho rằng, đây là thị trường đáng giá. Nếu các doanh nghiệp suy nghĩ nghiêm túc hơn về nông nghiệp, chủ động có đề xuất chính sách để đảm bảo cho phát triển sản xuất nông nghiệp thì tôi nghĩ tôi không lạc quan tếu về sự phát triển của ngành này”, ông Khánh nhấn mạnh với các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Khánh cũng cho rằng, vấn đề lớn nhất vẫn là khả năng nắm bắt cơ hội. Mà điều này thì phụ thuộc vào của từng doanh nghiệp.

Hiện tại, Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát… đang có nhiều khoản đầu tưvào nông nghiệp. Mới nhất FPT cũng vừa công bố đi cùng Fujitsu đầu tư vào công nghệ trồng rau…

Khánh An