Tái cơ cấu đầu tư công: Nhà nước cần “dũng cảm” thay đổi vai trò của mình

– Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nhận định như vậy tại Diễn đàn Tái cơ cấu đầu tư công gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh ngày 24/11/2015, do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức.

Vẫn dậm chân tại chỗ

Cũng tại Diễn đàn, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, hiệu quả đầu tư của Việt Nam thấp. Quy mô đầu tư công liên tục tăng cao ở cả 3 bộ phận cấu thành đầu tư công. So với GDP (giá thực tế), đầu tư công bắt đầu tăng vọt từ năm 1996 lên đến đỉnh cao trên dưới 20% GDP giai đoạn 1999-2006 rồi giảm xuống dưới 18% GDP từ năm 2007. Đặc biệt, trùng với 2 năm 2008 và 2011 có lạm phát cao gần 20%,  tỷ trọng đầu tư công đột ngột giảm xuống mức thấp tương đương năm 1995 là dưới 14% GDP theo giá thực tế. Do khó khăn về kinh tế và ngân sách nhà nước nên quy mô đầu tư công năm 2013 rơi xuống mức thấp kỷ lục dưới 11% GDP trước khi phục hồi lên mức 12,36% GDP năm 2014.

Trong suốt giai đoạn 1995-2012, tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong tổng vốn đầu tư công liên tục chiếm tỷ trọng lớn nhất với trên 40%. Đặc biệt, những năm 2005-2009 và 2011-2012, tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chiếm tới trên 50%, thậm chí trên 60% tổng vốn đầu tư công chứng tỏ nỗ lực rất lớn trong tăng đầu tư công nói chung và đầu tư từ ngân sách nhà nước nói riêng.

Điều đáng lưu ý là đầu tư công còn trông cậy vào vốn vay tới trên dưới 30% giai đoạn 1998-2003 và đột ngột lên đến kỷ lục 36,6% năm 2010 và tới 42,5% năm 2014 trong khi tỷ trọng vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước lại có xu hướng giảm liên tục suốt thời kỳ 1995-2005 trước khi đột ngột tăng vọt lên trên 30% vào 2006-2007 rồi lại giảm xuống mức dưới 20% kể từ năm 2010, thậm chí xuống gần 10% năm 2012 và 2014.

Đồng tình với nhận định của TS. Ánh, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, đầu tư công kém hiệu quả vừa dẫn đến các bất ổn vĩ mô, vừa làm giảm năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế trong ngắn và dài hạn.

Ở góc độ đánh giá đầu tư công lãng phí và dàn trải, theo TS. Huỳnh Thế Du, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay ở Việt Nam hầu như địa phương hay đơn vị nào cũng muốn có được những công trình quy mô được hỗ trợ từ ngân sách trung ương mà không quan tâm đến hiệu quả và sự hữu dụng của chúng. Đặc biệt gần đây nổi lên kế hoạch xây dựng các trung tâm hành chính tập trung nghìn tỷ. Đơn cử như Sơn La – một địa phương có số thu ngân sách hơn 3.000 tỷ đồng nhưng lại có kế hoạch xây cụm tượng đài và quảng trường lên đến 1.400 tỷ đồng…

Nhận định về nguyên nhân trực tiếp khiến cho tái cơ cấu đầu tư công thu được kết quả hạn chế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng tái cơ cấu đầu tư công không gắn với thay đổi vai trò  của Nhà nước trong nền kinh tế. Sau 5 năm mà đổi mới thể chế hầu như vẫn “dậm chân tại chỗ” và ước mong “Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển vẫn chỉ là mong ước…”.

Chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan lại cho rằng như thế vẫn chưa đủ và vẫn chưa phải là nguyên nhân gốc rễ. Bởi “tái cơ cấu đầu tư công và thay đổi vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế diễn ra chậm chạp có nguyên nhân rất cốt lõi từ tư duy và lợi ích của chính những người trong cuộc”, bà Lan cho biết thêm.

Toàn cảnh Diễn đàn Tái cơ cấu đầu tư công gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh

Nhấn mạnh vai trò của Nhà nước, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Nhà nước cần dũng cảm thay đổi vai trò của mình, tập trung thực hiện vai trò kiến tạo sự phát triển, nhường lại cho thị trường và xã hội vai trò đầu tư thương mại và sẵn sàng để xã hội chung tay thực hiện một phần các dự án phục vụ mục đích công cộng, như hầu hết các nước trên thế giới đã và đang làm. “Chỉ trên cơ sở đó mới có thể thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, nếu không tái cơ cấu đầu tư công sẽ không có phương hướng và đích để đi đến”, chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh thêm.Nhà nước cần “dũng cảm” thay đổi vai trò của mình

Đồng quan điểm với bà Lan, TS. Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Chính sách kinh tế Vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, tái cơ cấu đầu tư công phải gắn với đổi mới thể chế kinh tế, cần phân định vai trò của Nhà nước và thị trường. Bên cạnh đó, quy trình phân bổ đầu tư công phải dựa trên cơ chế cạnh tranh, các tỉnh cần trình lên dự án đầu tư công cạnh tranh nhau và cần có Hội đồng đánh giá tính cạnh tranh với nhau về hiệu quả, tính lan tỏa. Xây dựng cơ chế cạnh tranh công khai nguồn vốn đầu tư công sẽ góp phần hình thành cơ chế đánh giá hiệu quả kinh tế – xã hội sau khi dự án đã đi vào khai thác sử dụng so với hiệu quả dự kiến trong hồ sơ dự án và so sánh giữa các địa phương, các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công.

Khẳng định xu hướng đầu tư công theo hướng kinh tế xanh, TS. Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Chính sách Dịch vụ công, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, đầu tư công xanh là một phần quan trọng trong tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển kinh tế xanh đang ngày càng là một xu thế tất yếu của các nước trên thế giới mặc dù chưa có các bước đi cụ thể. “Để vượt qua khủng hoảng, nhiều nước đã lựa chọn con đường này với quyết tâm cao và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ trong dòng chảy toàn cầu ấy. Mô hình phát triển kinh tế xanh là bước phát triển tiếp theo của mô hình hướng tới phát triển bền vững đã được khẳng định trên thế giới cũng như ở Việt Nam”, TS. Hải nhấn mạnh.

Phát biểu kết thúc Diễn đàn, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng đầu tư công, tái cơ cấu đầu tư công là một trong những vấn đề thách thức nhất của cải cách kinh tế của Việt Nam. Thách thức nằm ở chỗ không chỉ phân bổ lại nguồn lực, thay đổi cách thức phân bổ nguồn lực cho hiệu quả hơn mà còn hướng tới trào lưu mới là tăng trưởng xanh./.

Thanh Hà