Doanh nghiệp không lớn được vì bị “hành”

– Những thủ tục phiền hà và cán bộ nhũng nhiễu đamg khiến các doanh nghiệp không lớn lên được và quy mô bình quân của doanh nghiệp Việt Nam đang nhỏ dần.

Đây là nhận định của TS. Vũ Tiến Lộc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại  Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2015 (VBF) ngày 01/12/2015.

Thủ tục phiền hà, cán bộ nhũng nhiễu

Theo báo cáo của VCCI, các thủ tục thuế và hải quan đã có nhiều cải thiện và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, song vẫn còn không ít các văn bản không phù hợp, việc thực thi còn nhiều bất cập, khiến doanh nghiệp thêm khó khăn.

Đối với ngành hải quan, báo cáo đánh giá, tình trạng ban hành văn bản, thông tư mới dồn dập đã khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cập nhật và thực hiện. Nhiều văn bản quá dài, nhiều quy định, nhiều từ ngữ không rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu, cách giải thích, cách áp dụng khác nhau, không thống nhất giữa hải quan và doanh nghiệp. Do đó, việc áp dụng thủ tục hải quan thiếu sự thống nhất.

Đơn cử như Quyết định số 11039 của Bộ Công Thương, ngày 03/12/2014 quy định mặt hàng rơ-le nhập khẩu phải kiểm tra, dán tem năng lượng, song lại không chỉ định cơ quan, tổ chức kiểm tra nên doanh nghiệp không biết làm thủ tục kiểm tra ở đâu… Nội dung các quy định, danh mục hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành khó tìm, không rõ ràng như quy định về trọng tải xe container, đầu kéo, số trục…

Đối với lĩnh vực thuế, một số quy định liên quan tới việc xác định chi phí hợp lý để khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp còn thiếu rõ ràng, chưa phù hợp với yêu cầu tồn tại và cạnh tranh của doanh nghiệp; tình trạng hoàn thuế và thanh, kiểm tra thuế còn kéo dài gây phiền hà và tốn kém.

Ngoài những bất cập về thủ tục hành chính, báo cáo còn nêu rõ, cán bộ hải quan, thuế gây phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp; có những cán bộ hải quan “yếu về nghiệp vụ, về kiến thức pháp luật”, thực hiện “thiếu tính thống nhất”, “trình độ chuyên môn thấp”, “không hiểu hết quy định và nội dung văn bản”. Dẫn đến, mỗi công chức giải thích một kiểu”, thường chỉ “hướng dẫn miệng”, “từ chối ký vào phiếu nghiệp vụ” để tránh trách nhiệm…

Nhận định về vấn đề trên, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, điều đáng lo ngại là các doanh nghiệp càng lớn thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao, doanh nghiệp quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều. Điều này khiến các doanh nghiệp không lớn lên được và quy mô bình quân của doanh nghiệp Việt Nam nhỏ dần.

Thủ tục phiền hà, cán bộ nhũng nhiễu khiến doanh nghiệp không lớn lên được

Theo đó, TS. Lộc nhận định, việc bị “hành”, cùng với những yếu kém nội tại của kinh tế tư nhân, như: công nghệ, quản trị và nguồn nhân lực… khiến khu vực này vẫn còn “cô đơn” trong hội nhập, không thể tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu, có chăng cũng chỉ là tham gia những khâu có giá trị gia tăng thấp dựa trên lợi thế về nguồn lao động giá rẻ.

Tiếp tục cải cách để doanh nghiệp “lớn”

Để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho các doanh nghiệp, theo bà Virginia B.Foote, Đồng chủ tịch VBF cho biết, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và giảm thiểu gánh nặng hành chính thông qua việc giảm lượng tiền mặt, giấy tờ và giao dịch thanh toán trực tiếp giữa các doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với Chính phủ.

Đồng ý kiến trên, ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu chia sẻ, nhiều nhà đầu tư ở châu Âu đánh giá rằng những thách thức hành chính ở cấp địa phương nhiều hơn là ở cấp Trung ương. Điều này là do việc áp dụng không thống nhất luật pháp, chính sách giữa các cấp này. Chính vì vậy, ông kiến nghị cần tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và chính quyền Trung ương để các nhà đầu tư được đối xử một cách nhất quán khi đến đầu tư tại một tỉnh nào đó.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, ông Shimon Tokuyama, cũng kiến nghị, chính phủ Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. trong đó về vấn đề chi phí hải quan không chính thức, ông nhấn mạnh, cần thiết phải nhanh chóng triển khai hoạt động kiểm soát các loại chi phí này và có các biện pháp trừng trị nghiêm khắc.

Lắng nghe những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, đại diện của các bộ, ban ngành cam kết sẽ tiếp tục đổi mới, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính hơn nữa để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay./.

Kim Hiền