Yêu cầu khẩn trương thực hiện bảo lãnh bất động sản

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài triển khai thực hiện các quy định của Thông tư số 07/2015/TT-NHNN ngày 25/6/2015 của NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng.

 

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thực hiện một số nội dung sau:

Về hoạt động bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai: Các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép thực hiện hoạt động bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai khẩn trương ban hành các quy định nội bộ hướng dẫn thống nhất trong hệ thống triển khai thực hiện hoạt động bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai theo đúng quy định tại Luật kinh doanh bất động sản và Thông tư 07;

Các NHTM chủ động xây dựng quy trình cấp bảo lãnh, hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục bảo lãnh cho các doanh nghiệp có nhu cầu được bảo lãnh để bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lại, bảo đảm tuân thủ quy định tại Luật kinh doanh bất động sản và Thông tư 07.

Về quy trình cấp bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, các NHTM thực hiện theo quy trình sau: Chủ đầu tư và ngân hàng ký Thỏa thuận cấp bảo lãnh; Khi chủ đầu tư nhận được yêu cầu mua, thuê mua nhà cụ thể của từng khách hàng thì sẽ ký hợp đồng mua, thuê mua nhà; Trên cơ sở thỏa thuận cấp bảo lãnh, hợp đồng mua, thuê mua nhà ở đã ký với khách hàng, NHTM phát hành cam kết bảo lãnh (dưới hình thức thư bảo lãnh hoặc hợp đồng bảo lãnh) cho bên nhận bảo lãnh là người mua, thuê mua nhà.

v
Theo quy định, chỉ có thư bảo lãnh và hợp đồng bảo lãnh dự án mới có giá trị pháp lý. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

 

Được biết, đến nay đã có tổng số 40 NHTM có đủ điều kiện bảo lãnh cho chủ đầu tư dự án bất động sản để bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Tuy nhiên, thông tin về bảo lãnh mà chủ đầu tư các dự án đưa ra thiếu rõ ràng.Thực tế, tại các sàn giao dịch BĐS, khi khách hàng yêu cầu được xem chứng thư hoặc hợp đồng bảo lãnh thì nhân viên giao dịch không đưa ra được, mà chỉ khẳng định, dự án đã được ngân hàng tài trợ rất nhiều vốn nên sẽ đứng ra bảo lãnh. Rất nhiều dự án được chủ đầu tư quảng cáo đã được ngân hàng bảo lãnh thực ra chỉ là chiêu PR, việc bảo lãnh mới dừng ở mức độ ngân hàng “hứa hẹn” hoặc ngân hàng ký kết cấp tín dụng, đứng ra bảo lãnh cho khách hàng vay vốn để mua nhà, chứ không phải là bảo lãnh cho dự án.

Trên thực tế, như Báo Đầu tư Online – Baodautu.vn đã phản ánh trong bài viết “Tù mù bảo lãnh ngân hàng”, hiện các chủ đầu tư đưa ra rất nhiều thông tin về hình thức ký kết bảo lãnh với ngân hàng, như hợp đồng nguyên tắc bảo lãnh, hợp đồng cấp bảo lãnh hạn mức của ngân hàng, biên bản thỏa thuận bảo lãnh, bảo lãnh cho vay vốn…nhưng đến nay  Tuy nhiên, theo quy định, chỉ có thư bảo lãnh và hợp đồng bảo lãnh dự án mới có giá trị pháp lý.

Sự nhập nhèm hiện nay không chỉ có lợi cho nhà đầu tư, mà với ngân hàng, sự im lặng trước sự hiểu lầm của người mua cũng là cơ hội vàng, bởi đây là các dự án ngân hàng đầu tư vốn, nếu người dân tin tưởng được ngân hàng bảo lãnh mà rót tiền vào mua, dĩ nhiên ngân hàng sẽ nhanh chóng thu hồi vốn, mà nếu rủi ro xảy ra cũng chẳng cần thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng khẳng định, bảo lãnh BĐS chứa đựng nhiều rủi ro vì mức phí thu về thấp trong khi trách nhiệm là rất lớn (phải trả tiền cho khách hàng nếu chủ đầu tư không giao nhà đúng tiến độ). Hơn nữa, với tình trạng bàn giao chậm tiến độ khá phổ biến như hiện nay, rủi ro bảo lãnh với ngân hàng càng lớn. Đây là lý do ngân hàng không mặn mà với bảo lãnh BĐS.

Tú Ân